close

Khi nhận được tin người thân bị ung thư thì không chỉ người bệnh mà ngay cả bạn cũng sẽ rất đau khổ. Tuy nhiên, bạn cần phải bình tĩnh và nghĩ đến cảm xúc tinh thần của người bệnh khi chăm sóc họ vì bạn là niềm tin và là chỗ dựa của họ. Do đó bạn cần lưu ý những điều sau đây khi chăm sóc người bị ung thư đặc biệt là ở giai đoạn cuối nhé!

>>> Ung thư tuyến tiền liệt<<<

 

Phản ứng tự nhiên

Khi một người thân yêu bị bệnh nặng, chúng ta cảm thấy đau buồn là điều tự nhiên. Ngay cả bác sĩ—những người thường xuyên đối diện với cái chết—cũng cảm thấy bất an, thậm chí bất lực khi đứng trước nhu cầu thể chất và tình cảm của người bệnh đang ở giai đoạn cuối. Bạn cũng có thể khó kiềm chế cảm xúc khi thấy người thân yêu bị đau đớn. 

Khi nghe tin buồn là người thân yêu mắc bệnh nan y, bạn có thể cảm thấy muốn trách móc một ai đó, hoặc bất kỳ ai. Đó cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một nhà tâm lý học viết luận án về đề tài chăm sóc người bệnh ở giai đoạn cuối là bà Marta Ortiz đã khuyên như sau: “Chúng ta nên tránh trách móc người khác—đội ngũ bác sĩ, y tá hoặc chính bản thân mình—vì tình trạng của người bệnh. Điều này chỉ làm các mối quan hệ thêm căng thẳng và khiến mọi người quên đi điều lẽ ra phải được quan tâm trước nhất: nhu cầu của người bệnh ở giai đoạn cuối”. Bạn có thể làm những bước thực tiễn nào để giúp người thân chịu đựng căn bệnh và đương đầu với cái chết trước mắt?

Chú ý đến người bệnh, chứ không phải căn bệnh

Bước đầu tiên là tránh chỉ tập trung vào sự suy yếu và sự biến dạng của cơ thể do căn bệnh gây ra, mà hãy chú ý đến người bệnh. Chúng ta làm thế bằng cách nào? Một y tá tên là Sarah cho biết: “Tôi dành thời gian xem các ảnh của bệnh nhân khi họ còn mạnh khỏe. Tôi chăm chú lắng nghe họ kể về những kỷ niệm trước kia. Điều này giúp tôi nhớ cuộc đời và quá khứ của từng bệnh nhân, và không để đầu óc chỉ tập trung vào tình trạng hiện tại của họ”.

Một y tá khác là Anne-Catherine đã giải thích cách giúp cô không chỉ tập trung vào triệu chứng của bệnh nhân. Cô nói: “Tôi nhìn vào mắt của bệnh nhân và cố gắng làm mọi cách để cải thiện tình trạng của họ”. Cuốn sách hướng dẫn cách chăm sóc nhu cầu của người bệnh ở giai đoạn cuối cho biết: “Cảm giác vô cùng bất an khi nhìn thấy người thân yêu bị biến dạng vì bệnh tật hoặc tai nạn là điều tự nhiên. Điều tốt nhất nên làm trong trường hợp này là nhìn vào mắt người thân và qua đôi mắt nâu hoặc xanh không hề thay đổi ấy, chúng ta sẽ nhận ra họ vẫn là người thân yêu của mình” (The Needs of the Dying—A Guide for Bringing Hope, Comfort, and Love to Life’s Final Chapter).

Đành rằng làm thế đòi hỏi chúng ta phải tự chủ và quyết tâm. Anh Georges, một giám thị của Nhân Chứng Giê-hô-va, thường đến thăm những người mắc bệnh nan y. Anh nói: “Tình yêu thương dành cho người bệnh phải mạnh hơn căn bệnh”. Nếu chú ý đến người bệnh chứ không phải căn bệnh, bạn sẽ mang lại lợi ích cho chính mình và người thân yêu. Chị Yvonne, người chăm sóc các trẻ em bị ung thư, cho biết: “Khi nhận ra bạn có thể giúp bệnh nhân giữ được phẩm giá của mình, bạn sẽ đối mặt được với sự suy yếu của cơ thể họ”.

Sẵn sàng lắng nghe

Người ta có thể do dự không liên lạc với người bệnh ở giai đoạn cuối dù họ rất thương yêu người đó. Tại sao? Họ sợ là họ không biết nói gì. Tuy nhiên, đôi khi im lặng cũng mang lại lợi ích. Cô Anne-Catherine đã nhấn mạnh điều này sau khi chăm sóc một người bạn bị bệnh ở giai đoạn cuối. Cô cho biết: “Không chỉ lời nói nhưng cả thái độ và hành động của chúng ta cũng có thể an ủi người bệnh. Kéo ghế ngồi kế bên và nắm tay người bệnh. Nếu muốn khóc khi nghe họ kể về cảm giác của mình, chúng ta cứ khóc. Tất cả những điều này chứng tỏ chúng ta quan tâm đến họ”.

Người thân yêu của bạn có thể cần bộc lộ cảm xúc qua việc trò chuyện thành thật và cởi mở. Dù vậy, người bệnh thường nhận thấy thân nhân của mình lo lắng, nên người ấy tránh nói về những vấn đề nghiêm trọng. Vì có ý tốt, gia đình và bạn bè cũng có thể tránh thảo luận những điều mà người bệnh quan tâm, thậm chí giấu những thông tin liên quan đến sức khỏe của người đó. Nhưng làm thế sẽ dẫn đến hậu quả nào? Một bác sĩ thường chăm sóc cho những bệnh nhân ở giai đoạn cuối giải thích rằng việc che giấu sự thật sẽ làm người bệnh mất cơ hội đối mặt với căn bệnh và nói chuyện cởi mở về nó, đồng thời khiến thân nhân mất đi nhiều sức lực mà lẽ ra phải dành để giúp người bệnh đương đầu với căn bệnh. Vì thế, nếu người bệnh muốn, hãy để cho họ nói chuyện cởi mở về tình trạng của mình cũng như về cái chết trước mắt.

Cô Anne-Catherine nói: “Điều quan trọng là để cho người bệnh bày tỏ nỗi lòng. Đừng ngắt lời, chỉ trích hay nói với họ là không có lý do gì để sợ. Đó là cách tốt nhất để biết cảm xúc thật sự của họ, đồng thời hiểu được họ ước muốn, sợ hãi và mong đợi gì”.

Hiểu nhu cầu cơ bản của người bệnh

Tình trạng của người bệnh có thể khiến bạn lo lắng, đặc biệt nếu nó trở nên tệ hơn vì các phương pháp trị liệu bằng thuốc mạnh và tác dụng phụ của chúng. Bạn có thể lo lắng đến nỗi quên đi một nhu cầu cơ bản của họ. Đó là tự quyết định phương pháp trị liệu cho mình.

Tại một số nền văn hóa, gia đình có thể cố gắng bảo vệ người bệnh bằng cách che giấu sự thật về tình trạng của người ấy, thậm chí không cho họ tự quyết định phương pháp trị liệu. Ở những nơi khác thì lại có vấn đề khác. Chẳng hạn, một nam y tá là Jerry cho biết: “Đôi khi những người đến thăm có khuynh hướng nói về bệnh nhân ngay bên cạnh giường bệnh như thể bệnh nhân không có ở đó”. Trong cả hai trường hợp, cách xử sự như thế sẽ làm mất đi phẩm giá của bệnh nhân.

Niềm hy vọng là một nhu cầu cơ bản khác. Ở những nước có điều kiện y tế cao, niềm hy vọng thường đi đôi với việc tìm ra một phương pháp trị liệu hữu hiệu. Chị Michelle đã chăm sóc mẹ qua ba lần căn bệnh ung thư của bà tái phát. Chị giải thích: “Nếu mẹ muốn thử một phương pháp trị liệu khác hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia khác, tôi sẵn sàng giúp bà. Tôi dần nhận ra rằng mình phải thực tế, nhưng đồng thời phải nói những lời tích cực”.

Nếu không tìm được phương pháp trị liệu nào cả thì sao? Chúng ta hãy nhớ rằng người bị bệnh ở giai đoạn cuối cần thảo luận cởi mở về cái chết. Anh Georges, được đề cập ở trên, cho biết: “Điều vô cùng quan trọng là đừng cố giấu họ về cái chết đang cận kề. Điều này giúp người bệnh sắp xếp những điều cần thiết và chuẩn bị cho sự ra đi của họ”. Nhờ đó, người bệnh có thể cảm thấy là đã hoàn tất những gì họ muốn làm trước khi ra đi, và an tâm hơn vì mình không trở thành gánh nặng cho người khác.

Dĩ nhiên, thảo luận những vấn đề như thế không phải là dễ. Nhưng trò chuyện thẳng thắn là cơ hội quý giá để bạn chân thành bày tỏ cảm xúc sâu sắc nhất của mình. Người bệnh có thể mong muốn giải quyết những bất hòa trước đây, bày tỏ sự hối tiếc hoặc xin được tha thứ. Những cuộc trao đổi như thế có thể làm cho mối quan hệ của bạn với người bệnh trở nên khăng khít hơn.

Động viên người bệnh trong những ngày cuối cùng

Làm thế nào bạn có thể động viên người bệnh đang ở giai đoạn cuối? Nhà tâm lý học Ortiz, được đề cập ở trên, nói như sau: “Hãy để người bệnh nói lên những điều cuối cùng họ muốn trước khi qua đời. Hãy chăm chú lắng nghe. Nếu có thể, bạn hãy đáp ứng mong muốn của họ. Nếu bạn không làm được, hãy thành thật nói với họ”.

Hơn bao giờ hết, người bệnh có thể muốn giữ liên lạc với những người quan trọng nhất trong cuộc đời họ. Anh Georges nói: “Hãy giúp người bệnh liên lạc với những người đó, cho dù người bệnh không nói được nhiều vì yếu sức”. Dù có thể chỉ nói chuyện qua điện thoại, nhưng đó cũng là cơ hội để khích lệ và cầu nguyện với nhau. Chị Christina là người Canada và có ba người thân yêu lần lượt qua đời. Chị kể lại: “Càng gần đến ngày qua đời chừng nào, họ càng cần lời cầu nguyện của các anh chị đồng đạo chừng nấy”.

Có phải bạn không nên khóc trước mặt người thân yêu không? Không. Nếu bạn khóc, thật ra bạn đang cho người ấy cơ hội để trở thành một người an ủi. Cuốn The Needs of the Dying cho biết: “Được an ủi bởi chính người bệnh là điều khiến chúng ta cảm động. Đó cũng là điều vô cùng quan trọng đối với người bệnh”. Khi an ủi người khác, người bệnh có thể tìm lại được vai trò của mình là một người bạn, người cha hay người mẹ đầy lòng quan tâm.

Có lẽ vì hoàn cảnh, bạn không thể ở gần người thân yêu trong những giờ phút cuối cùng của họ. Tuy nhiên, nếu có thể ở lại với người bệnh trong bệnh viện hay tại nhà, hãy nắm tay của họ cho đến phút cuối. Những giây phút cuối cùng này chính là lúc để bạn bày tỏ những tình cảm mà mình ít có cơ hội nói ra. Dù có thể người bệnh không có phản ứng gì, nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn nói lời từ biệt và bày tỏ tình yêu thương cũng như hy vọng được gặp họ khi họ sống lại.—Gióp 14:14, 15; Công-vụ 24:15.

Nếu tận dụng hết những giây phút cuối cùng ấy, bạn có thể sẽ không phải hối tiếc về sau. Thật vậy, những giây phút đầy xúc động đó có thể trở thành nguồn an ủi cho bạn sau này mỗi khi bạn nhớ lại. Bạn có thể tin chắc rằng đối với người thân yêu, mình đã là một người bạn thật sự “trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.

>>> Các bài viết liên quan:

arrow
arrow
    全站熱搜

    meolamdep 發表在 痞客邦 留言(0) 人氣()